Vắc xin đang được xem là giải pháp hiệu quả nhất để đẩy lùi làn sóng dịch đang dâng cao hiện nay. Tuy nhiên, có nhiều quan niệm sai lầm đang được lan truyền trong cộng đồng khiến nhiều người e ngại việc tiêm vắc xin. Dưới đây là 3 quan niệm sai lầm như vậy.
1- Vắc xin không có hiệu quả trong việc phòng ngừa Covid-19
Sau những thông tin về việc nhân viên y tế lây nhiễm Covid-19 mặc dù đã tiêm vắc xin, nhiều người hoài nghi liệu vắc xin có thực sự hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Các loại vắc xin đã được chứng minh giảm tỉ lệ lây nhiễm, tỷ lệ lây lan, triệu chứng nghiêm trọng và tử vong ở bệnh nhân Covid-19. Nguồn: Internet
Theo các chuyên gia y tế, không có một loại vắc xin nào có hiệu quả tuyệt đối. Tuy nhiên, với Pfizer, Moderna và Astrazeneca - 3 loại vắc xin được sử dụng phổ biến hiện nay, tỉ lệ phòng ngừa sau khi đã tiêm đủ hai liều với chủng Delta lên đến 67-88% (từ một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine ngày 21-7).
Một nghiên cứu khác tại Ấn Độ cũng cho thấy, việc tiêm đủ 2 liều vắc xin giúp giảm đến 98% nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong do Covid-19. Ngoài ra, việc tiêm vắc xin còn giảm hơn 50% nguy cơ phát tán và lây lan virus cho cộng đồng.
2- Vắc xin có thể khiến người tiếp nhận mắc Covid-19
Hiện nay, không có vắc xin nào chứa virus sống và còn khả năng gây bệnh được phê duyệt. Do đó, vắc xin không làm cho người tiếp nhận nhiễm Covid-19.
Vắc xin đã trải qua quá trình kiểm duyệt nghiêm ngặt trước khi được đưa vào sử dụng trên diện rộng. Nguồn: VGP news
Khi tiêm chủng, trong những ngày đầu cơ thể có thể có những triệu chứng như mắc Covid-19. Tuy nhiên, đây chỉ là những phản ứng phụ của vắc xin trong quá trình xây dựng hệ miễn dịch cho cơ thể.
3- Không cần tiêm vắc xin nếu đã từng mắc Covid-19
Chưa có nghiên cứu chứng minh rằng người từng nhiễm Covid-19 sẽ không tái nhiễm. Nguồn: Internet
Việc mắc Covid-19 có thể khiến cơ thể người nhiễm hình thành kháng thể. Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào chứng minh được các kháng thể tự nhiên này sẽ tồn tại trong cơ thể bao lâu. Một số bệnh nhân duy trì lớp phòng vệ lâu dài, nhưng số khác lại có kháng thể giảm rất nhanh. Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 ngay sau đó. Vì vậy, ngay cả khi đã nhiễm Covid-19, bạn vẫn cần phải tiêm vắc xin để được bảo vệ tốt nhất.
Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử. Đến cuối năm 2021, chúng ta đặt mục tiêu tiêm 150 triệu liều vắc xin Covid-19 cho 70% dân số. Để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, mỗi người dân cần có những hiểu biết đầy đủ về tầm quan trọng của vắc xin và ý thức về quyền lợi của mình khi đến lượt tiêm chủng.