Sau khi bị nhiễm HIV, virus bắt đầu tấn công vào hệ miễn dịch, khiến cơ thể suy yếu và dễ mắc các bệnh nguy hiểm. Quá trình này diễn ra thành 3 giai đoạn với thời gian và các triệu chứng biểu hiện khác nhau.
HIV tấn công hệ miễn dịch như thế nào?
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus HIV bắt đầu tấn công hệ miễn dịch của cơ thể trong đó có CD4 - một loại tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể. Các tế bào CD4 có vai trò nhận biết các kháng nguyên lạ, điều hòa hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus.
Virus HIV tấn công các tế bào của hệ miễn dịch khiến cơ thể ngày càng suy yếu theo thời gian
Mỗi ngày, cơ thể sản sinh hàng triệu tế bào CD4 để giúp duy trì hệ miễn dịch. Virus HIV sử dụng chính tế bào CD4 này để nhân lên, sau đó phá hủy chính tế bào đó và tiếp tục xâm nhập vào các tế bào CD4 khác. Một người bị nhiễm HIV có thể không nhận thấy các triệu chứng trong nhiều năm, nhưng virus vẫn âm thầm nhân lên và làm suy yếu dần hệ thống miễn dịch. Nhiễm HIV sẽ được chia thành 3 giai đoạn.
3 giai đoạn nhiễm HIV
Mỗi giai đoạn nhiễm HIV có biểu hiện cũng như thời gian dài ngắn khác nhau tùy vào cách virus HIV ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể. Ba giai đoạn đó là: nhiễm cấp tính, nhiễm tiềm ẩn và biểu hiện hội chứng AIDS.
1. Giai đoạn nhiễm virus HIV cấp tính
Trong vòng 2-4 tuần sau khi nhiễm HIV, hầu hết người nhiễm thường có các triệu chứng giống như khi bị cúm, bao gồm: sốt, sưng hạch, đau họng, phát ban, đau cơ, đau khớp và đau đầu. Những biểu hiện đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước sự sự xâm nhập của virus HIV.
Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn cửa sổ, người nhiễm có nguy cơ lây lan rất cao
Cũng trong giai đoạn đầu này, một lượng lớn virus HIV sẽ được nhân lên trong cơ thể người nhiễm, khiến họ có nguy cơ lây lan rất cao cho bạn tình hoặc người dùng chung kim tiêm. Cơ thể người nhiễm sẽ phản ứng bằng cách sản xuất các kháng thể chống lại virus HIV. Do đó, số lượng HIV trong máu sẽ giảm đáng kể, số lượng tế bào CD4 sẽ phục hồi nhẹ.
2. Giai đoạn tiềm ẩn
Ở giai đoạn “tiềm ẩn”, virus HIV vẫn tiếp tục nhân lên nhưng không biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ gây những triệu chứng nhẹ. Đối với những người không điều trị ART, giai đoạn 2 có thể kéo dài trung bình 10 năm. Nếu không điều trị, lượng virus sẽ ngày càng nhiều, số lượng tế bào CD4 sẽ suy giảm mạnh, dẫn đến người nhiễm bắt đầu có những triệu chứng ở toàn thân do lượng virus HIV đã tăng lên trong khắp cơ thể.
Điều trị ART có thể giúp người nhiễm sống thọ gần như người bình thường
Điều trị ART sẽ giúp giữ lượng virus trong mức giới hạn, qua đó cho phép người nhiễm sống ở giai đoạn tiềm ẩn lâm sàng trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, dù có điều trị ART hay không, người nhiễm HIV ở giai đoạn 2 vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác.
3. Giai đoạn biểu hiện ‘Hội chứng Suy giảm miễn dịch mắc phải’
Theo thời gian, hệ thống miễn dịch sẽ bị virus HIV phá hủy ngày một nặng. Tình trạng của người nhiễm ở giai đoạn này trở nên nghiêm trọng, biểu hiện các triệu chứng như: sụt cân nhanh, suy giảm trí nhớ, sốc tái phát và tiêu chảy kéo dài hơn một tuần.
Nếu người nhiễm không điều trị thuốc kháng HIV, hoặc điều trị không hiệu quả, hệ thống miễn dịch của họ sẽ xấu đi nhanh chóng. Những bệnh nhiễm trùng cơ hội cũng sẽ dễ xảy ra hơn và có thể trở nên rất nguy hiểm. Mặc dù bệnh nhiễm trùng cơ hội có thể được điều trị, nhưng việc đó cũng không thể ngăn được sự tiến triển của HIV.
AIDS
AIDS – Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải là giai đoạn cuối cùng và nặng nhất của nhiễm HIV, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của người nhiễm bị hư hỏng nặng, khiến họ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Người nhiễm được chẩn đoán đã tiến triển đến AIDS khi lượng tế bào CD4 giảm xuống dưới 200 tế bào trên mỗi milimét khối máu hoặc được chẩn đoán nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng 4 (như bị lao, ung thư, viêm phổi).
Khi đã đến giai đoạn AIDS, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao nếu không điều trị. Tuy nhiên, nếu được điều trị ART hiệu quả, họ vẫn có thể phục hồi lại hệ thống miễn dịch và kéo dài tốt thời gian sống.
Tổng hợp từ nhiều nguồn.