Khi virus HIV đi vào cơ thể, chúng sẽ tấn công theo 3 giai đoạn. Đầu tiên chỉ là những triệu chứng cảm cúm thông thường, sau đó chúng phát triển theo thời gian và cuối cùng áp đảo hệ miễn dịch của con người.
Giai đoạn cấp tính
Trong 2 - 6 tuần đầu nhiễm virus HIV, bệnh nhân bắt đầu có những dấu hiệu đầu tiên. Triệu chứng lúc này giống với những cơn cảm cúm thông thường: Đau đầu, mệt mỏi, viêm họng, đau cơ, sốt, phát ban, các vết loét… Các triệu chứng kéo dài 1 - 2 tuần. Đây là phản ứng của hệ miễn dịch để chống lại tác nhân xâm nhập từ bên ngoài.
Virus HIV hoạt động bằng cách tấn công và huỷ diệt các tế bào T-CD4 của cơ thể. Nguồn: Internet
Ở giai đoạn này, nồng độ HIV trong máu và dịch cơ thể bệnh nhân rất cao, vì thế nguy cơ lây nhiễm lớn. Nếu được phát hiện sớm, các phương pháp điều trị sẽ giúp bệnh nhân củng cố hệ miễn dịch, giảm bớt các triệu chứng cũng như khả năng lây lan.
Giai đoạn nhiễm trùng không triệu chứng
Khi virus HIV đã thắng thế trong cuộc chiến với hệ miễn dịch, chúng âm thầm phá huỷ các tế bào T-CD4 và từ từ phá đổ hàng rào miễn dịch. Nếu không được điều trị kịp thời, tế bào T-CD4 sẽ sụt giảm nghiêm trọng và khiến bệnh nhân dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng.
Giai đoạn này có thể kéo dài 10 - 15 năm mà không có bất cứ triệu chứng nào. Điều này vô tình khiến nhiều bệnh nhân trở thành vật chủ lây lan HIV cho cộng đồng.
Giai đoạn nhiễm trùng có triệu chứng (AIDS)
Bệnh nhân HIV bước vào giai đoạn AIDS khi số lượng tế bào T-CD4 giảm xuống dưới 200, đồng thời hệ miễn dịch tổn thương trầm trọng. Ở giai đoạn này bệnh nhân dễ mắc phải bệnh nhiễm trùng cơ hội như ung thư da, viêm phổi, zona thần kinh, ung thư hạch bạch huyết...
Xét nghiệm HIV khi có nguy cơ lây nhiễm là cách duy nhất giúp bệnh nhân phát hiện và can thiệp kịp thời. Nguồn: Internet
Khi đã chuyển sang AIDS, bệnh nhân chỉ có thể sống dưới 3 năm. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị vẫn mang lại hiệu quả với người mắc AIDS. Họ có khả năng kéo dài tuổi thọ nếu đáp ứng thuốc và duy trì lối sống lành mạnh.
Bệnh nhân HIV được phát hiện càng sớm, khả năng kiểm soát bệnh, hạn chế triệu chứng và nguy cơ lây nhiễm càng cao. Vì vậy, nếu quan hệ tình dục không an toàn, dùng chung bơm kim tiêm với người khác hoặc tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm, bạn nên đến các cơ sở y tế để tiến hành xét nghiệm kịp thời.
Nguồn tham khảo: WebMd