Ung thư là căn bệnh gây nên nhiều đau đớn về cả thể chất và tinh thần đối với người bệnh. Vì vậy, việc chăm sóc người thân mắc phải căn bệnh này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị về kiến thức và tâm lý. Dưới đây là những điều người nhà cần lưu tâm khi gia đình có bệnh nhân ung thư.
Chăm sóc về sức khỏe
Khi tiếp nhận điều trị ung thư, người bệnh sẽ bước vào một hành trình cần đến sự hỗ trợ của các y bác sĩ. Tùy theo tình hình sức khoẻ và giai đoạn bệnh, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các phương pháp điều trị phù hợp. Trong khoảng thời gian này, người nhà nên đồng hành cùng bệnh nhân để trở thành điểm tựa cho họ lúc cần thiết.
Một người nhà đang thay băng cho người bệnh tại mái ấm Gary
Người nhà nên hỗ trợ bệnh nhân thăm khám định kỳ; chuẩn bị giấy tờ cần thiết; nắm bắt những thông tin về tình trạng sức khoẻ, lịch trình tái khám, đơn thuốc… của người thân. Đồng thời, người nhà cũng có thể hỗ trợ công tác điều trị bằng cách cung cấp những triệu chứng của người bệnh, hỗ trợ người bệnh uống thuốc đúng thời điểm, thay băng, rửa vết thương…
Một số bệnh nhân khi bệnh diễn biến nặng sẽ gặp khó khăn trong sinh hoạt. Họ cần người nhà giúp đỡ những hoạt động cá nhân như di chuyển, vệ sinh cá nhân, ăn uống… Trong những hoạt động này, người nhà cần có sự nhẫn nại, chu đáo để người bệnh cảm thấy thoải mái, tránh để họ nảy sinh cảm giác bản thân là gánh nặng của gia đình.
Người nhà là người trực tiếp chăm sóc người bệnh trong đời sống hàng ngày. Vì vậy, người nhà nên tham khảo y bác sĩ hoặc các nguồn tin chính thống để có những hiểu biết đúng và đầy đủ về căn bệnh của người thân. Từ đó, chế độ ăn uống, sinh hoạt của người bệnh sẽ hỗ trợ tốt hơn cho quá trình điều trị.
Chăm sóc tâm lý cho người bệnh và chính bản thân
Tinh thần đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi của bệnh nhân. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh khi trải qua quá trình điều trị ung thư đều mệt mỏi, suy sụp, có tâm lý muốn buông xuôi. Là người đồng hành, người thân nên thường xuyên trò chuyện, động viên tinh thần để người bệnh vượt qua những chướng ngại tâm lý.
Hành trình chiến đấu với ung thư là một hành trình với nhiều đau đớn, dày vò. Điều đó có thể khiến người bệnh có tâm lý không ổn định, dễ gắt gỏng, nóng nảy. Thay vì khó chịu, người nhà nên đặt mình vào hoàn cảnh của người bệnh để thông cảm, thấu hiểu cho những điều họ đang phải gánh chịu.
Chăm sóc đầy đủ về cả sức khỏe lẫn tinh thần giúp bệnh nhân ung thư gia tăng cơ hội sống
Hãy xoa dịu và giúp họ được giải toả những cảm xúc tiêu cực bằng cách khuyến khích họ tham gia các hoạt động trị liệu: viết, vẽ, thể dục nhẹ nhàng… Đồng thời, việc duy trì các sở thích cá nhân và các kết nối xã hội trong giai đoạn này cũng cực kỳ cần thiết để tiếp thêm động lực sống cho người bệnh.
Không chỉ riêng người bệnh cần được chăm sóc về tâm lý mà chính người thân cũng cần tự chuẩn bị tinh thần cho chính mình. Người nhà nên giữ cân bằng, đừng để bản thân áp lực hoặc quá tải. Nếu cần thiết, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của những người xung quanh. Bên cạnh đó, người nhà cũng cần vững vàng về tâm lý, chấp nhận rằng những điều không mong muốn có thể xảy ra và đối diện với nó bằng góc nhìn tích cực nhất.
Chuẩn bị về tài chính
Việc điều trị ung thư có thể diễn ra trong nhiều năm, thậm chí là cả đời với chi phí tốn kém. Vì vậy người thân cần phải có sự chuẩn bị nhất định về tài chính. Để tiết kiệm chi phí điều trị, người thân nên đóng và duy trì bảo hiểm y tế cho người bệnh.
Nếu gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người thân có thể nhờ đến sự giúp đỡ của một số tổ chức thiện nguyện như mái ấm Gary (hỗ trợ nơi ăn ở cho bệnh nhân đang điều trị tại TP.HCM) hoặc Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng (hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn).
Ung thư là căn bệnh không ai mong muốn mắc phải. Nhưng khi nó xảy đến với người thân của chính mình, điều duy nhất chúng ta có thể làm chăm sóc họ chu đáo về cả thể chất lẫn tinh thần để giúp họ gia tăng cơ hội phục hồi. Đó cũng chính là điều mà mái ấm Gary luôn nỗ lực thực hiện cho tất cả những bệnh nhân lưu trú tại mái ấm.