Cưu mang những bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối, mái ấm Naza mang trong mình sứ mệnh giữ lại khát vọng sống cho những con người đang chịu sự giày vò của căn bệnh thế kỷ. Ngày ngày, những tình nguyện viên tại mái ấm Naza vẫn đang hết lòng giúp hơn 20 người bệnh giảm nhẹ nỗi đau, xoa dịu vết thương tinh thần và tạo nên những kỳ tích mới.
Phép màu cho những bệnh nhân bị bác sĩ chê
Bỏ lại sau lưng những ngày tháng đen tối, đến với Naza, mỗi thành viên của mái ấm đều nhận được sự chăm sóc tốt nhất về y tế, dinh dưỡng và đời sống tinh thần bên trong.
Những bệnh nhân đến với Naza đều là những bệnh nhân nặng giai đoạn cuối
Hiểu được tầm quan trọng của việc dùng thuốc đối với người nhiễm HIV/AIDS, mái ấm chú trọng việc yêu cầu mỗi bệnh nhân tuân thủ chế độ điều trị ARV. Hàng ngày, bệnh nhân được hướng dẫn uống thuốc đúng liều và đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ. Đối với những bệnh nhân gặp biến chứng do suy giảm miễn dịch ở giai đoạn cuối, mái ấm sẽ gửi đến các cơ sở điều trị để được can thiệp kịp thời. Mỗi bệnh nhân đều được Naza hỗ trợ bảo hiểm y tế và toàn bộ viện phí. Ngoài ra, bệnh nhân khó khăn trong vấn đề đi lại cũng được các tình nguyện viên hướng dẫn tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, vệ sinh thân thể...
Mỗi ngày các bệnh nhân tại đây được phục vụ 3 bữa ăn chính và 1-2 bữa phụ. Tình nguyện viên phụ trách nấu ăn tại mái ấm thường xuyên cập nhật kiến thức để đảm bảo các bữa ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng.
Tuỳ theo thể trạng mà chế độ ăn uống của người bệnh được thay đổi phù hợp với nhu cầu. Bữa cơm chiều ở Naza bắt đầu khá sớm, lúc 16h30. Lý do là 20h các bệnh nhân phải sử dụng thuốc đặc trị. Tác dụng phụ của thuốc khiến họ buồn nôn, chóng mặt và đi nghỉ sớm. Riêng những bệnh nhân theo phác đồ điều trị khác, không phải dùng thuốc sẽ có thêm một bữa khuya.
Ông A. đã chứng minh việc bác sĩ bảo ông chỉ sống được 2 tháng nữa là sai lầm
Linh mục Đinh Trần Thanh Tú - cha phụ trách mái ấm Naza cho biết: “Những người đến với mái ấm đều là bệnh nhân gần đất xa trời, đến bác sĩ cũng chê. Tuy nhiên điều đáng mừng là tỉ lệ phục hồi của bệnh nhân ở đây càng ngày càng lớn. Điển hình như bệnh nhân A., khi mới vào được tiên liệu chỉ sống được tối đa 2 tháng, vậy mà bây giờ ông đã ở đây được 7 tháng và tiến triển rất khả quan”.
Chắt chiu từng cơ hội sống
Naza luôn nỗ lực tạo nên môi trường sống lạc quan, vui vẻ cho các bệnh nhân. Mỗi buổi sáng, các tình nguyện viên sẽ cố gắng tranh thủ đi sớm để cùng bệnh nhân sinh hoạt, chơi cờ tướng, cờ vua, cờ cá ngựa… Các buổi chiều mái ấm thường có giờ văn nghệ chung để mọi người giải trí. Nhiều tình nguyện viên có chuyên môn về tâm lý cũng được mời đến trò chuyện để bệnh nhân có nơi tâm sự giải toả khúc mắc.
Sức mạnh tâm linh là điểm tựa lớn để bệnh nhân duy trì hy vọng sống. Vì thế, mái ấm tổ chức các thánh lễ, giờ cầu nguyện để đáp ứng nhu cầu này. Với những bệnh nhân không may qua đời, Naza chu toàn cho họ nghĩa cử cuối cùng bằng thánh lễ an táng và lưu giữ hài cốt tại nơi thờ tự chung.
Anh N.H quay lại hỗ trợ cho bệnh nhân tại Naza như những ân tình anh đã được nhận ở đây
Anh N.H. - bệnh nhân đang sống tại mái ấm Naza chia sẻ: “Ở đây giống như một gia đình vui vẻ. Có cha và bạn bè như những người thân luôn bên cạnh giúp đỡ, động viên tôi những lúc khó khăn. Nhờ vậy mà tôi vượt qua được giai đoạn nguy kịch nhất. Hiện tại sức khoẻ đã ổn định, tôi cùng các tình nguyện viên phụ giúp những công việc trong mái ấm như dọn dẹp, nấu ăn, chăm sóc bạn bè đang bệnh nặng”.
Suốt 14 năm qua, Mái ấm Naza chắt chiu từng cơ hội sống, mang những bệnh nhân như anh N.H. từ cửa tử trở về. Để rồi, thay vì buông xuôi số phận, họ sống cuộc đời mới yên vui và trở thành những người có ích cho xã hội.