Trang Chủ / Tin tức / Chi tiết tin tức

Để quên miền bóng tối

Có thể gọi nơi đó là nhà hay gia đình, vì 17 người đang sống tại đây đã cảm nhận được tình thân, niềm vui, sự bao bọc, chở che của mọi người. “Nhà” ấy là Mái ấm Naza (quận Thủ Đức, TPHCM) - bến đỗ cuối đời của những người mắc phải căn bệnh thế kỷ.

 

BÓNG DÁNG TU SĨ CAMILÔ

Tọa lạc gần ngay cửa ra vào khuôn viên Tu hội Gia đình Naza, nhưng thoạt nhìn, ít ai biết được đằng sau cánh cửa rào màu xanh kia, lằn ranh sống chết đầy mong manh. Náu thân nơi đây, người bệnh nhận thức rõ việc gì sẽ xảy đến với mình nay mai. Dầu vậy, ít nhiều họ cũng đã có những khoảnh khắc làm lại cuộc đời sau tháng ngày vẫy vùng trong tăm tối.

Từ lâu, mỗi khi nghe nói tới ba chữ HIV, hầu hết ai cũng dè dặt, ái ngại. Với người bị nhiễm, vừa mang trọng bệnh lại chịu tâm lý mặc cảm đè nặng, họ càng trở nên bế tắc, vô định trước mọi phương hướng. Có những trường hợp thương tâm như gia đình phải nhốt “con bệnh” ở chuồng gà để khỏi phá phách, cắp vặt; cha mẹ từ con; phải sống vất vưởng tại gầm cầu, lề đường... Sự kỳ thị từ người thân đến cộng đồng, biểu lộ qua ánh mắt, thái độ, cách cư xử, càng đẩy họ thêm một bước tới ngõ cụt bi quan, bất cần đời.

Hơn 8 năm trôi qua, nhà Naza đã tạo cảm giác an toàn, bình yên cho những bóng dáng liêu xiêu, còm cõi. Mỗi người là một câu chuyện, một quá khứ ly kỳ. Có những tay anh chị, đại ca giang hồ, hình xăm, vết kim tiêm hằn trên da thịt. Bên cạnh đó, cũng có những người là nạn nhân đáng thương bị hoàn cảnh sống đẩy đưa.. “Buồn vì gia đình bỏ bê, không quan tâm, họ nghe lời dụ dỗ, lôi kéo của kẻ xấu dẫn đến việc đi bụi, muốn nổi loạn. Có lúc lý do sa vào nghiện ngập đơn giản chỉ là để thử cho biết hay nghe nói hít chích vào sẽ quên hết sự đời. Rồi vết tích trộm cắp, vào trại vô tù khiến xã hội e dè khi họ muốn hoàn lương. Cứ vậy, người nhiễm HIV dần mất lòng tin, đau khổ vì không lối thoát”, cha Đaminh Đinh Trần Thanh Tú - phụ trách Mái ấm chia sẻ.Muốn truyền đi thông điệp yêu thương, đồng hành cùng những ai lâm cảnh ngộ trên, năm 2004, Mái ấm Mai Tâm (quận Bình Thạnh) cưu mang các bà mẹ, trẻ sơ sinh nhiễm H. do những tu sĩ dòng Camilô coi sóc ra đời. Không lâu sau, nhà dòng nhận thấy hoạt động như thế vẫn còn lỗ hổng  bởi những người bệnh bỏ nhà ra đi, sống lang thang sẽ bước về đâu, nương tựa chốn nào trong giai đoạn cuối; mặt khác, ước mong giúp người nhiễm H. tìm lại các giá trị sống, phẩm giá làm người là mục đích quan trọng không kém, nên năm 2007, Mái ấm Naza hình thành.

Vào Mái ấm Naza, tất cả bắt đầu tìm lại con đường thiện hảo. Hiện tại, các hoạt động nâng đỡ, cứu giúp người bệnh mỗi ngày thêm ổn định, khác xa buổi ban đầu đầy trắc trở, gian nan. Do quy tụ đủ mọi thành phần, gốc gác, tính tình nên cảnh gây hấn, to tiếng giữa những tay “máu mặt” một thời dễ xảy ra. Số khác gây xáo trộn vì không thích nghi được nội quy chung trong nhà về giờ giấc, cách sống, cảm thấy gò bó, nghiêm ngặt. Bấy giờ, tùy thái độ và biểu hiện của họ, những người đồng hành sẽ có cách giải quyết theo hình thức “nhu” hoặc “cương”. Kỳ thực, ai cũng muốn viết lại cuộc đời, tẩy xóa bóng đen trước đây nhưng chuyện làm được lại không dễ dàng như suy nghĩ. “Naza tức Nazareth, một gia đình tuy gặp  nhiều khó khăn, thử thách song các thành viên đều sống hòa thuận. Chúng tôi cũng thế, sau những khó khăn đã qua chỉ cốt mong tất cả sẽ thuận thảo, yêu thương nhau. Có vậy ước vọng biến đổi cuộc đời nơi họ mới dễ bề thành sự thực”, cha Tú giải thích thêm.

CHỐN THANH THẢN CUỐI ĐỜI

Dù thời gian còn lại trên cõi đời dài hay ngắn, dù sớm muộn gì cũng sẽ trở về cát bụi, nhưng bao giờ còn thấy bình minh, người bệnh đều nhận được sự chăm lo chu đáo. Về chế độ dinh dưỡng, có chị bếp đảm nhiệm cơm nước quanh năm. Biết rõ phần nhiều ai cũng gầy yếu, sức đề kháng kém nên khẩu phần ăn luôn đảm bảo cung cấp đủ chất và năng lượng cần thiết. Người khỏe có thể phụ giúp nhặt rau, rửa chén... để vận động chân tay, khuây khỏa tinh thần. Săn sóc y tế cũng là vấn đề ưu tiên xuyên suốt. Thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, nước biển không bao giờ thiếu hụt. Một số trường hợp vướng thêm bệnh gan, thận hay tim, huyết áp sẽ có thêm thuốc và thiết bị hỗ trợ chữa trị. Ngoài ra, thỉnh thoảng có các anh em dự tu đến giúp tập vật lý trị liệu cho những ai ngồi xe lăn, tứ chi yếu.

Với người nhiễm HIV, sau cái ăn cái mặc được lo tươm tất, đủ đầy, điều trên hết họ cần trong những ngày tháng cuối đời là tinh thần thanh thản, thư thái. Thế nên, trong khuôn viên nhỏ, ấm cúng, suốt ngày rộn rã tiếng ghita và tiếng hát. Họ ngồi bên nhau, cất giọng say sưa, mắt nhắm nghiền và “cháy” hết mình vào từng ca khúc, từ thể loại êm dịu, trữ tình đến sôi nổi, hào hứng. Trên nét mặt bấy giờ chỉ có niềm vui và hạnh phúc ngự trị. Những gì là sợ hãi, muộn phiền đều tan biến. Ai không có máu văn nghệ thì chọn cách giải khuây nhẹ nhàng như chơi cờ tướng, quét sân hay trò chuyện thủ thỉ. Có lúc, tình thân lại được thể hiện đơn giản bằng việc cạo râu, cắt móng tay chân, đẩy xe lăn giúp nhau. Còn với nữ, họ cũng tìm niềm vui bằng cách kết hạt cườm thành những móc khóa, ví tay đủ hình thù, kích cỡ. Chăm chú xỏ từng hạt bé xíu, chị P.N.A.N rụt rè nói: “Chúng em làm để giết thì giờ, tránh buồn chán. Sản phẩm làm xong cứ để trong tủ kính, ai ghé thăm muốn mua thì tụi em bán, lấy tiền tiêu vặt”.Một khi đã thích nghi và hiểu Naza là nơi mang tới sự an lành cũng như cảm nhận được sự tôn trọng, bảo bọc từ gia đình này, họ dễ dàng chấp nhận, tuân thủ những sinh hoạt tập thể. Cụ thể, thứ Ba và thứ Năm hằng tuần có buổi học nhân bản, chia sẻ tâm tư, sống sao cho tốt. Mỗi ngày, bất kể theo tôn giáo nào, mọi người cùng tham gia giờ kinh sáng, giờ kính Lòng Chúa Thương Xót và kinh tối; thứ Bảy đầu tháng, dự thánh lễ tại Mái ấm. Những giây phút thả lòng vào câu kinh, tiếng ca giúp họ có dịp lắng đọng, ngẫm suy.

Dù không biết lúc nào từ biệt nhân gian nhưng qua lời khuyên nhủ, tâm tình của các tu sĩ, mọi người gắng sống lạc quan, vui vẻ. Họ thôi ủ rũ, đè nén vết thương lòng và quá khứ xưa kia để tranh thủ tận hưởng hương vị cuộc sống. Về phía người đồng hành, cha Tú cho biết mọi người luôn trong tư thế sẵn sàng tiễn đưa người bệnh chặng đường cuối. Khi một người nhắm mắt xuôi tay, Mái ấm sẽ lo tròn hậu sự gồm liệm xác, dâng lễ (nếu đã được rửa tội) và hỏa táng.

Từ ngày thành lập, nơi đây đã tiếp nhận hơn 700 bệnh nhân, trong đó, có 350 phần tro cốt được gởi tại giáo xứ Tam Hải. Số khác được thân nhân đưa về nhà, còn lại sẽ an nghỉ tại nhà Naza.

*

Trước khi ra về, chúng tôi nghe được một giọng hát vút cao “Bình yên để gió đưa em về. Bình yên ta chờ nghe [...]. Tặng nhau nhé tiếng nghe hồn nhiên. Để quên hết khó khăn ưu phiền” (Bình yên). Có lẽ, dù muộn màng nhưng chí ít, nơi Mái ấm Naza, mỗi người đã cảm nhận được “bình yên”, đã có thể nở nụ cười nhẹ nhõm!

Quảng Khê

Tin tức liên quan (89)

Thông báo tuyển dụng

Chi Nhánh Doanh Nghiệp Xã Hội Mai Tâm Cơ Sở Chăm Sóc Người Cao Tuổi Vị Hoàng thông báo tuyển dụng

Healing Night – Risen: Không chỉ sống cho mình mà con sống cho nhau

Tối 27/4, đêm nhạc Healing Night – Risen đã diễn ra đầy ấm cúng tại The Adora Center (Hoàng Văn Thụ) với sự tham gia của hơn 1.000 ân nhân và bạn hữu của Mai Tâm Family.

Nơi thấy ánh sáng niềm vui hy vọng trở lại

“Tụi cô đâu có biết nhau, tại vì phòng khám thân thiện nên mọi người cứ ngồi lại là nói chuyện y hệt người thân vậy đó”. Nếu không nói, chắc ai cũng nghĩ các bệnh nhân ở phòng khám đều biết nhau, vì lúc nào nhìn họ cũng trò chuyện rất thân thiết. Thật ra, chẳng ai quen nhau cả. Sự gần gũi đó chỉ đơn giản là vì họ tìm thấy ở nhau, ở phòng khám sự đồng điệu, chia sẻ cho những khó khăn trong đời sống của mình.

[Phỏng vấn cha Toại] Healing Night - Risen: Trước hết là giúp mỗi người chữa lành cho chính mình

Sau nhiều lần trì hoãn do Covid-19, Healing Night lần 2 sẽ chính thức diễn ra vào tối 27/4/2022 tại The Adora Center (431 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) với chủ đề “Risen”

Không có ranh giới cho sự tử tế

Nằm trong khuôn viên nhà thờ Đồng Tiến, nhiều người nghĩ rằng phòng khám Mai Khôi - Đồng Tiến chỉ dành cho những bệnh nhân Công Giáo. Thực tế, mỗi ngày phòng khám vẫn đón tiếp rất nhiều bệnh nhân ngoại đạo đến điều trị. Bà Nguyễn Ngọc Mai và bà Vũ Thị Lan là những bệnh nhân như vậy.