Dịch bệnh khiến nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo tại các tỉnh lẻ gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế và phải gián đoạn quá trình điều trị. Điển hình là trường hợp của Cô Huỳnh Thị Nương (Phú Yên).
Cô Nương mắc ung thư buồng trứng giai đoạn 2, đang điều trị tại bệnh viện Ung Bướu và đã chiến đấu với căn bệnh này 3 năm. May mắn phát hiện bệnh sớm, cô tiến hành phẫu thuật và thực hiện 6 toa hoá trị. Những tưởng khối u đã biến mất nhưng được 2 năm thì bệnh lại tái phát.
Cô Nương (bên trái) trò chuyện với bạn bè ở mái ấm
Đầu năm 2021, được bạn bè giới thiệu, cô Nương xin vào mái ấm Gary lưu trú trong thời gian lên Sài Gòn chạy chữa. Nhờ vậy có bớt đi một khoản ăn ở. Khi dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM, cô Nương đang về Phú Yên thăm gia đình và bị kẹt ở quê 4 tháng. Gián đoạn điều trị thời gian dài khiến bệnh tình cô trở nặng, thường xuyên mệt mỏi và đau đớn.
“Ngặt nỗi xe đường dài vào TP.HCM không chạy, thuê xe riêng thì tới tận 6 triệu. May mà cuối tháng 9 có chú kia vào rước con về, chú bảo tôi đi cùng lấy 3 triệu thôi. Tôi ráng gom góp có tiền vô chữa bệnh” - Cô kể lại. Lúc mới lên, cô Nương thuê nhà trọ gần bệnh viện. Mỗi tuần cô vào viện một lần để thăm khám và thực hiện hoá trị. Ngoài chi phí ăn ở, cô còn phải chi trả chi phí test COVID-19 lên tới hơn 700.000 đồng/lần. Nếu duy trì trong thời gian dài đó là khoản tiền thực sự lớn với cô.
Thời gian rảnh rỗi cô phụ mọi người việc bếp núc, dọn dẹp
Được 2 tuần, thấy tình hình dịch bệnh khả quan hơn, cô liên hệ với mái ấm Gary và biết rằng mình được nhận vào mái ấm. Cô mừng rỡ khăn gói chuyển qua trong ngày. Cô là một trong số những bệnh nhân hiếm hoi tới được mái ấm trong khoảng thời gian siết chặt giãn cách.
“Về đây không khí thoáng đãng, ăn uống ngon miệng nên tinh thần tôi cũng được cải thiện nhiều. Giờ vẫn phải vô thuốc mỗi tuần nên tôi dự định ở mái ấm thêm thời gian nữa, khi nào bác sĩ cho nghỉ 3 - 4 tuần mà dịch đỡ hơn tôi lại tranh thủ về nhà thăm con cháu” - Cô chia sẻ.
Nghe tin một vài người bạn cùng lưu trú tại mái ấm Gary mắc kẹt ở quê rồi mất trong thời gian giãn cách xã hội, cô Nương thấy mình còn may mắn vì có cơ hội tiếp tục điều trị. Cô mong sao dịch bệnh sớm qua đi để những bệnh nhân như cô bớt đi một phần gánh nặng về tài chính và có thêm một phần hy vọng sống.