Mái ấm Naza được mở ra để cưu mang những người bệnh HIV/AIDS và bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối với hy vọng sống mong manh. Nhưng điều bất ngờ là chính từ nơi mang lại bình an phút cuối đời, những kỳ tích lại nảy sinh, phục hồi những cuộc đời rạn vỡ về với cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hầu hết bệnh nhân khi mới bước chân vào mái ấm Naza đều đã buông xuôi hy vọng sống. Bệnh viện trả về, gia đình từ bỏ, xã hội quay lưng, không còn động lực nào để tiếp tục chuỗi ngày ê chề, đau đớn. Ông A. là một trường hợp như vậy. Mắc bệnh ung thư da giai đoạn cuối, bác sĩ tiên liệu rằng ông chỉ còn sống được nhiều nhất 2 tháng. Không có con cháu bên cạnh làm chỗ dựa tinh thần, tấm thân gầy gò chỉ biết đếm từng ngày về với cát bụi.
Ông A. ngồi sưởi nắng trước sân mái ấm
Nhưng khi được đón về mái ấm Naza, cuộc đời ông như bước sang một trang khác. Mỗi ngày trôi qua với ông là một ngày hạnh phúc khi được chăm lo đầy đủ về dinh dưỡng, y tế và đời sống tinh thần. Trong sự săn sóc ân cần của các tình nguyện viên và những người cùng cảnh ngộ, ông dần lấy lại tình yêu với cuộc sống. Căn bệnh ung thư của ông thuyên giảm rõ rệt trước sự kinh ngạc của các y bác sĩ. Sau 7 tháng sống tại mái ấm, ông trải qua 1 cuộc phẫu thuật nội khí quản và đang chờ đợi ca phẫu thuật khắc phục rò rỉ thực quản để có thể sinh hoạt bình thường.
Cũng giống như ông A., anh T. đến Mai Tâm với tình hình sức khỏe không mấy khả quan. Từ một người khỏe mạnh, sau một đêm ngủ dậy biến chứng của căn bệnh HIV khiến anh nằm một chỗ 2 năm trời ròng rã. Khi đứng dậy được với một bên chân mất đi cảm giác, anh xông xáo tắm rửa, thay tã, lau vết thương và chăm sóc những bệnh nhân yếu. Anh còn là một đầu bếp rất cừ, nấu ăn ngon và thường xuyên cập nhật thông tin để chế biến những món ăn phù hợp với sức khỏe người bệnh.
Dù phải cần đến nạng để đi lại bình thường, anh T. vẫn thành thục chăm sóc những bệnh nhân nặng nhất ở mái ấm
“Từng trải qua cảm giác nằm liệt giường, không được người thân chăm sóc chu đáo, tôi hiểu người bệnh không cần gì nhiều. Họ chỉ muốn được vệ sinh sạch sẽ, thoải mái, có người trò chuyện mỗi ngày. Vì thế tôi làm cho họ những điều đó” – Anh T. chia sẻ lý do.
Với anh T., công việc tình nguyện tại Naza không phải cho đi, mà là nhận lại. Nhờ việc “bán nụ cười” cho các bệnh nhân, anh tìm được niềm vui cho chính bản thân và quên đi nỗi đau thể xác đang giày vò mình mỗi ngày.
Từ những người có hy vọng sống mong manh, những bệnh nhân ở Naza dần bình phục và có những thay đổi lớn về nhận thức
Linh mục Đinh Trần Thanh Tú (phụ trách mái ấm Naza) cho biết: “Có một bệnh nhân từng tâm sự với tôi rằng con ước gì thời gian có thể quay lại để con không đi vào con đường lầm lỡ này. Nhưng sự thật là thời gian không thể quay lại. Việc chúng tôi có thể làm là giúp các bệnh nhân quên đi nỗi đau quá khứ, hòa giải với tha nhân, chấp nhận thực tại và nhìn về tương lai một cách lạc quan nhất. Từ đó, họ trở thành những người tàn nhưng không phế, giúp ích cho đời”.
Chính nguồn năng lượng lạc quan của các tình nguyện viên và nhân viên tại mái ấm Naza đã giúp cho những bệnh nhân như ông A., anh T. vượt qua hiểm cảnh. Để rồi, họ có cái nhìn khác về cuộc đời và thêm động lực quyết tâm sống lại cuộc sống mình một lần nữa ý nghĩa hơn.