Nơi dừng chân của bệnh nhân HIV giai đoạn cuối
Vào những năm 2000s, nạn dịch HIV/AIDS bùng nổ mạnh mẽ, trở thành nguồn cơn cho nỗi bất hạnh của vô số người trong xã hội. Rất nhiều nạn nhân của căn bệnh thế kỷ đã phải trở thành người neo đơn, hứng chịu sự xa lánh của gia đình lẫn cộng đồng. Những mảnh đời đó không chỉ vật lộn hằng ngày với cơn đau thể xác mà có khi đến những ngày cuối đời họ vẫn chưa thể nguôi ngoai những khổ cực đã phải nếm chịu. Chính vì thế vào năm 2007, các tu sĩ Camillo cùng các cộng tác viên đã thành lập Mái ấm Naza với mục đích chăm sóc những bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối không nơi nương tựa, cho họ tìm được bình an trong những ngày còn lại. Ít ai ngờ rằng, chốn nhỏ bé này đã cưu mang và tiễn đưa hơn 500 người bệnh.
Chăm lo thể chất, chữa lành tinh thần cho người nhiễm HIV
Những ngày còn lại của các bệnh nhân HIV/AIDS nếu không phải đi khám chữa thì chỉ quanh quẩn bên trong khuôn viên mái ấm. Thế nhưng tất cả người bệnh đều an phận với cuộc sống đó tại Naza vì chính nơi đây họ tìm được sự bình yên bấy lâu đã thiếu vắng trong tâm hồn.
Sinh nhật của một thành viên tại Mái ấm Naza
Tại Mái ấm Naza, các bệnh nhân được đón nhận và chăm sóc tận tình. Bệnh nhân giai đoạn cuối được chăm sóc giảm nhẹ, hỗ trợ tuân thủ điều trị ARV, tham vấn và cung cấp kiến thức ngăn ngừa lây truyền bệnh và lây nhiễm chéo, tất cả đều thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hầu hết các bệnh nhân khi đến với mái ấm đều đã rơi vào giai đoạn cuối và thường ra đi chỉ sau 1 - 2 tháng. Với những trường hợp bệnh nặng cần can thiệp sâu, họ sẽ được chuyển đến các điểm điều trị uy tín để điều trị. Cũng chính vì sự khó lường của các biến chứng HIV/AIDS thời kỳ cuối nên mái ấm đã tiến hành mua Bảo hiểm y tế cho tất cả người nhiễm, chi trả toàn bộ số tiền mua cũng như tiền chạy chữa cho họ nếu có phát sinh bệnh tình. Ngoài ra, các bệnh nhân còn được tình nguyện viên hướng dẫn tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và hỗ trợ họ trong sinh hoạt hằng ngày như tắm rửa, vệ sinh thân thể cho các bệnh nhân yếu.
Ngoài việc dùng thuốc, nghỉ ngơi hoặc đi điều trị, các bệnh nhân tại Mái ấm Naza cũng thường xuyên được nhân viên và thiện nguyện viên thăm hỏi, tư vấn và động viên tinh thần. Với những người nhiễm HIV/AIDS, không chỉ nỗi đau thể xác mà vết thương tâm lý từ quá khứ cũng là điều khiến họ đau đớn mỗi ngày. Việc động viên tinh thần cho bệnh nhân vì thế là điều hết sức cần thiết mái ấm thường xuyên làm để phần nào giúp họ chữa lành nội tâm, mở đầu cho những việc chữa lành khác.
Các thành viên của Mái ấm Naza tham gia sinh hoạt tâm linh
Vực dậy niềm tin, khơi gợi động lực sống
Vào những lúc rảnh rỗi, bệnh nhân được tham gia các hoạt động do mái ấm tổ chức như làm thiệp, móc khóa, tràng hạt, thêu tranh, văn nghệ để tạo không khí vui tươi, thư giãn. Ngoài ra họ cũng được tham gia thánh lễ, cầu nguyện để giúp họ tìm lại được bình an, niềm tin với bản thân và cuộc sống. Anh T. - một bệnh nhân đã tái hòa nhập cộng đồng nay quay về giúp đỡ mái ấm - cho biết rằng liều thuốc quan trọng nhất tại Naza chính là nụ cười, chỉ có cách sống tích cực và lạc quan thì những nỗi đau trước đây mới có thể được lành.
Tang lễ của một bệnh nhân nhiễm HIV
Mái ấm Naza còn tạo điều kiện tái hòa nhập với cộng đồng cho bệnh nhân nếu có tiến triển tốt sau quá trình điều trị. Mái ấm cung cấp thông tin, kiến thức cho bệnh nhân và người thân nhằm tăng cường sự cảm thông, xóa bỏ thái độ kì thị đối với người đang sống cùng HIV/AIDS. Mái ấm cũng nhiệt tình hỗ trợ bệnh nhân trong những bước đầu quay về với xã hội như giúp họ tìm nơi ở, hỗ trợ tiền trọ, v.v… Đến nay, có khoảng 600 bệnh nhân đã rời khỏi mái ấm và sống như những người bình thường, có công ăn việc làm ổn định.
Mang ý nghĩa còn hơn cả một gia đình, Mái ấm Naza là nơi để những số phận cùng cực nhất đến và tìm lại niềm tin ở cuộc đời. Còn những ai phải ra đi vì bệnh nặng, họ sẽ có được những ngày tháng yên bình trên chặng đường còn lại của mình.