Trang Chủ / Tin tức / Chi tiết tin tức

Phòng khám Nhân đạo Kinh 7: Chữa bệnh, ăn ở miễn phí cho người nghèo

Phòng khám đa khoa Nhân đạo Kinh 7 (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) mỗi năm đã điều trị thành công cho hàng ngàn bệnh nhân từ khắp mọi miền trên đất nước, kể cả nước ngoài.

 

 

Linh mục-ThS-bác sĩ Phạm Vũ Thụy đang khám bệnh cho một bệnh nhân là nhà sư - Ảnh: P.VT

Dọc quốc lộ 8 trên đường về TP.Rạch Giá có phòng khám nhân đạo của Công giáo do các linh mục (cũng là bác sĩ) trực tiếp điều hành.

Mỗi ngày từ 7 giờ 30, phòng tiếp nhận bệnh nhân mới lại tấp nập. Họ là những người mới mắc bệnh hoặc đã điều trị nhiều nơi nhưng không giảm nên tìm đến đây. Thủ tục nhập viện cũng khá đơn giản, chỉ cần cung cấp thông tin họ tên, năm sinh.

Bệnh nhân chuẩn bị vào phòng điều trị

Điều trị cơ xương khớp không dùng thuốc

Có đến 2/3 bệnh nhân đến điều trị cơ xương khớp tại Phòng khám. Đối với việc điều trị bệnh lý này, Phòng khám không dùng thuốc mà áp dụng phương pháp vật lý trị liệu, điện trị liệu kết hợp chỉnh hình xương theo phương pháp DOCTORLOAN. Phương pháp DOCTORLOAN là cách thức chính để điều chỉnh lại những chèn ép thần kinh, mạch máu của bệnh nhân, bao gồm chỉnh xương bằng ghế chỉnh hình, gối chỉnh hình và bài tập.

Những loại gối và ghế chỉnh hình của DOCTORLOAN được Mỹ cấp bằng sáng chế và Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam cấp bản quyền. Bên cạnh việc điều chỉnh xương bằng phương pháp này, Phòng khám sử dụng vật lý trị liệu, điện trị liệu để làm giảm đau, giãn cơ. Thời gian trung bình trị liệu cho bệnh nhân cơ xương khớp là 8-12 ngày, bệnh nhân giảm hầu hết các triệu chứng. Đối với bệnh nhân tai biến thì điều trị lâu hơn, tùy theo mức độ nặng, nhẹ của mỗi bệnh nhân.

Có những bệnh nhân điều trị nhiều nơi không hết, thậm chí ảnh hưởng đến tinh thần do cứ nghĩ mình phải mang căn bệnh này suốt đời. Bà L.T.M (ngụ Cần Thơ) kể: “Tui bị thoát vị đĩa đệm lưng nhiều năm nay, có điều trị nhiều nơi nhưng không hết, có nơi còn nói tui phải chịu suốt đời vì căn bệnh này không chữa khỏi. Tui nghe hàng xóm mách bảo nơi này chữa khỏi nên đến thử, không ngờ chỉ mới qua 2 phác đồ (8 ngày) là giảm rất nhiều”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa tư vấn cho bệnh nhân về chế độ dinh dưỡng tại phòng ăn

Theo linh mục-ThS-bác sĩ Phạm Vũ Thụy: “Nguyên nhân chính của bệnh lý này là do sai tư thế trong sinh hoạt, lao động, học tập, làm việc hằng ngày như ngồi sai, đứng sai, khuân vác sai, cúi xuống xách đồ hay làm việc sai… Tất cả các tư thế sai từ từ gây thoát vị đĩa đệm cổ, đĩa đệm lưng, trượt đốt sống, gù vẹo cột sống, xoắn vặn cột sống gây chèn ép tủy sống, rễ thần kinh, chèn ép mạch máu… gây biết bao nhiêu bệnh cảnh lâm sàng. Muốn trị hoàn toàn, ngoài thời gian điều trị ở đây, về nhà bệnh nhân phải thay đổi tư thế để phòng tránh tái phát”.

Miễn phí cho người nghèo, tu sĩ các tôn giáo, bà mẹ VNAH

Linh mục-Ths-bác sĩ Phạm Vũ Thụy cho biết: “Hằng ngày chúng tôi điều trị nội trú cho khoảng 200 bệnh nhân đến từ khắp nơi trong và ngoài nước. Những ai có khả năng kinh tế, chúng tôi xin 20% phí điều trị so với giá nhà nước, ai không có chúng tôi cho luôn, chúng tôi miễn hoàn toàn cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, tu sĩ của các tôn giáo”.

Đối với bệnh nhân nằm điều trị, ngoài miễn giảm cũng chỉ phải đóng 20% phí điều trị nên dù bệnh nặng mấy, bệnh nhân cũng không quá lo lắng thêm vấn đề kinh tế. Bên cạnh đó, các khoản chi phí như ăn uống, chỗ ở điều trị hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người, kể cả người thân của bệnh nhân.

Nhà ăn từ thiện phục vụ 3 bữa ăn mỗi ngày, gồm bữa cháo cho buổi sáng và 2 bữa cơm cho buổi trưa, chiều. Bệnh nhân sau khi ăn xong chỉ cần tự rửa khay thức ăn của mình rồi về giường nghỉ ngơi chờ đến giờ điều trị.

Khi hỏi về khoản thu ít ỏi như thế thì làm cách nào để vận hành Phòng khám. Linh mục-Ths-bác sĩ Phạm Vũ Thụy cho biết: “Để duy trì hoạt động của Phòng khám, chúng tôi vận động xin ân nhân trong và ngoài nước bù vào. Tạ ơn trời đất, chúng tôi cũng được những nhà hảo tâm quảng đại giúp đỡ. Nhờ đó mà trong 27 năm qua, chúng tôi duy trì sinh hoạt được đều đặn”.

Nhà ăn mỗi ngày phục vụ 3 bữa ăn miễn phí cho khoảng 200 bệnh nhân (chưa kể người nhà)

Nhà ăn có không gian thoáng mát nằm cạnh cánh đồng và hồ nuôi cá

Không gọi “bệnh nhân” mà chỉ gọi “ông, bà, cô, chú”

Điểm khác biệt ở Phòng khám này còn là cách xưng hô của y bác sĩ, điều dưỡng. Họ không dùng từ “bệnh nhân” mà chỉ gọi thân mật là “ông, bà, cô, chú”. Vì vậy người bệnh luôn cảm nhận được sự thân thiện, gần gũi trong quá trình điều trị.

Theo các bác sĩ ở đây, khi bệnh nhân đã đến với Phòng khám, họ đã chịu rất nhiều đau đớn từ bệnh lý, chưa kể, có những người đi điều trị rất nhiều nơi không hết mới đến đây. Họ đến để thắp nên niềm hy vọng cho chính mình. Vì vậy, đội ngũ y bác sĩ cũng như điều dưỡng ở đây cần có sự quan tâm, nhỏ nhẹ, như một cách tiếp thêm tinh thần, sức mạnh để họ vượt qua căn bệnh.

Sự tận tình của các điều dưỡng ở đây cũng gây ngạc nhiên không ít cho những ai mới đến. Từ cách nói chuyện đến hướng dẫn những bài tập, hỏi thăm sức khỏe, thậm chí là chào hỏi nhau ở lối đi hành lang… Chỉ cần điều trị đến buổi thứ 2 là họ đã nhớ và gọi tên từng bệnh nhân một cách thân tình. Theo linh mục-Ths-bác sĩ Phạm Vũ Thụy: “Ở đây ngoài chuyên môn giỏi, anh chị em y bác sĩ còn cần phải có tâm sáng và lòng nhiệt thành phục vụ bệnh nhân như người thân của họ. Ban giám đốc luôn chú ý rèn luyện cho nhân viên không chỉ chuyên môn mà còn y đức, lòng nhân ái và tinh thần phục vụ".

Chỗ ở miễn phí cho bệnh nhân còn khá đơn sơ

Hiện nay, Phòng khám có hơn 100 chỗ ở miễn phí, trong khi bệnh nhân ngày càng đông hơn. Vì vậy, nhiều bệnh nhân không có chỗ ở nên phải thuê trọ bên ngoài.

“Về cơ sở vật chất, bệnh nhân chưa có chỗ nghỉ ngơi sạch sẽ thoáng mát, chỗ ngủ còn chật chội và nóng bức, chúng tôi còn thiếu rất nhiều phòng, giường cho bệnh nhân nên họ phải nằm hành lang, nằm ở chỗ tạm bợ, những lúc mưa gió nhiều bệnh nhân phải di dời liên tục.

Lúc hết chỗ, bệnh nhân phải ra nhà trọ ở rồi hằng ngày vào điều trị, ăn uống, tắm giặt trong Phòng khám. Vì thế, chúng tôi đang vận động ân nhân xây lại nhà nghỉ rộng rãi, thoáng mát cho bệnh nhân và người nhà có chỗ nghỉ ngơi đoàng hoàng để họ yên tâm điều trị. Về máy móc, chúng tôi luôn làm đề án xin tổ chức từ thiện giúp đỡ” - linh mục-Ths-bác sĩ Phạm Vũ Thụy chia sẻ thêm.

Cổng chính vào Phòng khám

Đội ngũ y bác sĩ tại Phòng khám

Thông tin về Phòng khám đa khoa Nhân đạo Kinh 7

- Địa chỉ Phòng khám đa khoa Nhân đạo Kinh 7: 87, ấp Kinh 7B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang.

- ĐT: 02973835498.

- Giờ khám bệnh: Từ 7 giờ 30 sáng thứ hai đến thứ bảy (Chủ nhật nghỉ)

- Chuyên điều trị: Cơ xương khớp và tai biến mạch máu não.

- Chỗ ăn ở: Bệnh nhân được sắp xếp chỗ ở và ăn uống miễn phí ngày 3 bữa tại Phòng ăn từ thiện.

Bài, ảnh: La Hường

Tin tức liên quan (89)

Thông báo tuyển dụng

Chi Nhánh Doanh Nghiệp Xã Hội Mai Tâm Cơ Sở Chăm Sóc Người Cao Tuổi Vị Hoàng thông báo tuyển dụng

Healing Night – Risen: Không chỉ sống cho mình mà con sống cho nhau

Tối 27/4, đêm nhạc Healing Night – Risen đã diễn ra đầy ấm cúng tại The Adora Center (Hoàng Văn Thụ) với sự tham gia của hơn 1.000 ân nhân và bạn hữu của Mai Tâm Family.

Nơi thấy ánh sáng niềm vui hy vọng trở lại

“Tụi cô đâu có biết nhau, tại vì phòng khám thân thiện nên mọi người cứ ngồi lại là nói chuyện y hệt người thân vậy đó”. Nếu không nói, chắc ai cũng nghĩ các bệnh nhân ở phòng khám đều biết nhau, vì lúc nào nhìn họ cũng trò chuyện rất thân thiết. Thật ra, chẳng ai quen nhau cả. Sự gần gũi đó chỉ đơn giản là vì họ tìm thấy ở nhau, ở phòng khám sự đồng điệu, chia sẻ cho những khó khăn trong đời sống của mình.

[Phỏng vấn cha Toại] Healing Night - Risen: Trước hết là giúp mỗi người chữa lành cho chính mình

Sau nhiều lần trì hoãn do Covid-19, Healing Night lần 2 sẽ chính thức diễn ra vào tối 27/4/2022 tại The Adora Center (431 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) với chủ đề “Risen”

Không có ranh giới cho sự tử tế

Nằm trong khuôn viên nhà thờ Đồng Tiến, nhiều người nghĩ rằng phòng khám Mai Khôi - Đồng Tiến chỉ dành cho những bệnh nhân Công Giáo. Thực tế, mỗi ngày phòng khám vẫn đón tiếp rất nhiều bệnh nhân ngoại đạo đến điều trị. Bà Nguyễn Ngọc Mai và bà Vũ Thị Lan là những bệnh nhân như vậy.