Trang Chủ / Tin tức / Chi tiết tin tức

Tâm lý bệnh nhân ung thư và tầm quan trọng của việc chăm sóc tinh thần

“Ung thư”, cái tên chỉ vỏn vẹn hai chữ nhưng có thể gây sốc nặng và khủng hoảng cho bất kỳ ai bị chẩn đoán mắc phải. Đi kèm với căn bệnh hiểm nghèo này không chỉ là đau đớn thể xác mà tinh thần cũng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng nếu người bệnh và thân nhân không biết cách giải quyết những vấn đề về tâm lý. Thay vì giấu đi cảm xúc, hãy tìm cách chia sẻ, lắng nghe lẫn nhau và tìm kiếm sự giúp đỡ để quá trình điều trị bớt căng thẳng hơn.

 

Thay đổi mối quan hệ xã hội

 

Quá trình điều trị ung thư vừa có thể khiến người bệnh khăng khít hơn với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp xung quanh, nhưng cũng có thể khiến các mối quan hệ bị rạn nứt. Nguyên nhân khiến rạn nứt thường là do họ không biết phải hỗ trợ người bệnh như thế nào, không hiểu được khó khăn lẫn những nỗi đau của bệnh nhân.

 

Một bệnh nhân đang được người nhà giúp thăng băng vết mổ 

 

Các mối quan hệ này không chỉ là người thân mà còn bao gồm cả bác sĩ, y tá. Nếu người bệnh không cởi mở chia sẻ, các nhân viên y tế sẽ khó lòng tìm được cách chăm sóc tốt nhất cho họ, việc điều trị vì thế sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu sự hợp tác giữa hai bên.

 

Những mối quan hệ xã hội rạn nứt dần sẽ khiến bệnh nhân càng lo lắng, từ đó rơi vào trầm cảm khiến cơ thể càng thêm suy nhược, bệnh tình ngày một xấu đi.

 

Biến đổi cơ thể dẫn đến tâm lý bất ổn

 

Bệnh nhân ung thư sẽ phải trải qua nhiều thay đổi thể lý như rụng tóc, sụt cân, trên người xuất hiện nhiều sẹo mổ, các bộ phận trên người bị thay thế hoặc cắt bỏ. Những thay đổi thể lý này có thể tác động tiêu cực đến tâm sinh lý, khiến người bệnh trở nên tự ti, dễ tự so sánh mình với bản thân trước kia hoặc với những người khỏe mạnh xung quanh. Một số loại ung thư như ung thư vú, tử cung, tuyến tiền liệt, tinh hoàn còn có thể khiến người bệnh hoang mang, mặc cảm về giới tính vì nghĩ rằng mình không còn là đàn ông hay phụ nữ nữa.

 

Một bệnh nhân ung thư vú tại mái ấm

 

Những thay đổi đột ngột này khiến người bệnh cảm thấy hụt hẫng khi bỗng nhiên không còn làm được những việc mà trước kia mình thực hiện rất dễ dàng. Phải mất một thời gian người bệnh mới có thể chấp nhận được thực trạng mới. Tuy nhiên, nếu không có sự động viên, chia sẻ liên tục từ người thân và y bác sĩ, bệnh nhân sẽ khó chấp nhận thực tế, cảm thấy bản thân như trở nên vô dụng, từ đó dễ rơi vào trầm cảm.

 

Nảy sinh các cảm xúc tiêu cực

 

Từ lúc được chẩn đoán mắc bệnh cho đến khi trải qua nhiều đợt xạ trị, hóa trị, sự thay đổi lên xuống liên tục của sức khỏe cũng khiến tinh thần người bệnh bị ảnh hưởng theo.

 

Đầu tiên, người bệnh sẽ cảm thấy lo âu khi biết mình mắc bệnh. Với những người độc thân, họ sẽ càng căng thẳng hơn, dễ thấy cô độc trước nghịch cảnh. Sự lo âu này cũng đi kèm với việc bệnh nhân hình thành một cái nhìn tiêu cực về tương lai vì cho rằng mọi dự định của mình như thế là chấm hết.

 

Người bệnh ung thư dễ sinh trầm cảm nếu không được quan tâm đúng mực

 

Bên cạnh đó, người bệnh cũng thường sợ hãi, tức giận với những người xung quanh vì cảm thấy không được ai thấu hiểu. Nếu không sớm được giải tỏa, những cảm xúc tiêu cực này sẽ tích tụ dần và khiến bệnh nhân rơi vào trầm cảm. Những bệnh nhân ung thư trầm cảm có nguy cơ tử vong cao hơn so với bình thường, hoặc cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến quá trình hồi phục. 

 

Tầm quan trọng của việc chăm sóc tinh thần

 

Tại Mái ấm Gary, việc chăm lo sức khỏe tinh thần của người bệnh được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là khi đối tượng của mái ấm chủ yếu bao gồm những người bệnh nghèo khó. Vấn đề tâm lý của họ còn bao gồm cả gánh nặng về nơi ăn ở, đi lại khi đến Sài Gòn điều trị. Vì vậy, việc đầu tiên mái ấm thực hiện đó là giúp họ giải tỏa mối lo trên. Khi họ đã được ổn định chốn ăn ở, những biện pháp chăm sóc tinh thần tiếp theo như động viên, thăm hỏi, tổ chức sinh hoạt cộng đồng, văn nghệ, dã ngoại mới có thể phát huy tác dụng, giúp ngăn trầm cảm và khơi gợi lại ở họ niềm tin vào cuộc sống.

 

Tại Gary, người bệnh được hỗ trợ nơi ở sạch sẽ, ăn uống hoàn toàn miễn phí 

 

Việc điều trị ung thư vì thế không chỉ xoay quanh thuốc men và các phương pháp xạ trị, hóa trị, mà chăm sóc đời sống tinh thần và những khó khăn khác xung quanh bệnh nhân cũng là vấn đề phải được chú trọng. Người bệnh cần được quan tâm, chia sẻ, khuyến khích mở lòng để họ và các mối quan hệ xung quanh thấu hiểu nhau hơn. Những người chăm sóc, bác sĩ điều trị cũng cần kiên nhẫn để cùng bệnh nhân gỡ rối dần những khúc mắc trong lòng.

 

Đời sống tinh thần của người bệnh ở Gary cũng được chăm lo kỹ lưỡng 

 

Tâm lý vững vàng và lạc quan của người bệnh có tác động lớn tới quá trình điều trị, mang đến những hiệu quả tích cực, giúp người bệnh mau bình phục. Một tinh thần tích cực cũng giống như món “lợi khí” trong tay bệnh nhân. Có vũ khí này rồi, bệnh nhân sẽ cảm thấy căn bệnh không còn quá đáng sợ nữa, nhưng có thêm động lực và chủ động chiến đấu.

 

 

Tin tức liên quan (89)

Thông báo tuyển dụng

Chi Nhánh Doanh Nghiệp Xã Hội Mai Tâm Cơ Sở Chăm Sóc Người Cao Tuổi Vị Hoàng thông báo tuyển dụng

Healing Night – Risen: Không chỉ sống cho mình mà con sống cho nhau

Tối 27/4, đêm nhạc Healing Night – Risen đã diễn ra đầy ấm cúng tại The Adora Center (Hoàng Văn Thụ) với sự tham gia của hơn 1.000 ân nhân và bạn hữu của Mai Tâm Family.

Nơi thấy ánh sáng niềm vui hy vọng trở lại

“Tụi cô đâu có biết nhau, tại vì phòng khám thân thiện nên mọi người cứ ngồi lại là nói chuyện y hệt người thân vậy đó”. Nếu không nói, chắc ai cũng nghĩ các bệnh nhân ở phòng khám đều biết nhau, vì lúc nào nhìn họ cũng trò chuyện rất thân thiết. Thật ra, chẳng ai quen nhau cả. Sự gần gũi đó chỉ đơn giản là vì họ tìm thấy ở nhau, ở phòng khám sự đồng điệu, chia sẻ cho những khó khăn trong đời sống của mình.

[Phỏng vấn cha Toại] Healing Night - Risen: Trước hết là giúp mỗi người chữa lành cho chính mình

Sau nhiều lần trì hoãn do Covid-19, Healing Night lần 2 sẽ chính thức diễn ra vào tối 27/4/2022 tại The Adora Center (431 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) với chủ đề “Risen”

Không có ranh giới cho sự tử tế

Nằm trong khuôn viên nhà thờ Đồng Tiến, nhiều người nghĩ rằng phòng khám Mai Khôi - Đồng Tiến chỉ dành cho những bệnh nhân Công Giáo. Thực tế, mỗi ngày phòng khám vẫn đón tiếp rất nhiều bệnh nhân ngoại đạo đến điều trị. Bà Nguyễn Ngọc Mai và bà Vũ Thị Lan là những bệnh nhân như vậy.