“Thế cô có muốn về mái ấm không, về mái ấm ở sướng lắm như khách sạn vậy đó” - Một lần đi khám ở bệnh viện Ung Bướu, cô Nguyệt đã được nghe đồng bạn giới thiệu như vậy. Rồi chị em cứ bảo nhau, người này rỉ tai người kia. Những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn như cô Nguyệt nhờ vậy mà có một chỗ trú chân trên hành trình điều trị ung thư.
Ngủ ở cầu vượt vì không có tiền thuê trọ
Phát hiện mắc ung thư vú vào tháng 12/2020, như bao bệnh nhân khác, cô Nguyệt bước vào hành trình chiến đấu với bệnh tật. Ngoài chi phí điều trị, mỗi ngày cô mất 100.000 đồng tiền trọ và 100.000 đồng tiền ăn uống. “Bệnh này không phải ngày một ngày hai. Gia đình ở Đăk Lăk thì chỉ trông vào nương rẫy. Nhiều lúc tôi tủi thân, nghĩ quẩn mình tàn thế không còn làm được gì nữa, cố sống cũng chỉ là gánh nặng cho gia đình” - Cô Nguyệt chia sẻ.
Chuyến xe đưa bệnh nhân từ bệnh viện trở về mái ấm Gary
Một lần hóa trị, cô may mắn gặp được người phụ nữ cùng cảnh ngộ là bà Nguyễn Thị Đặng. Bà Đặng bắt đầu điều trị ung thư vú từ tháng 9/2020. Mặc dù đã 74 tuổi nhưng vì hoàn cảnh gia đình, bà một mình vào TP.HCM chữa bệnh. Đợt hóa trị đầu tiên kéo dài 12 tuần, mỗi lần vô thuốc 4-5 ngày. Để tiện đi lại, bà Đặng thuê một phòng trọ sát bệnh viện Ung Bướu. Căn phòng rộng chưa đầy 2m2 có 2 người ở, giá 70.000 đồng/ ngày đêm.
Căn phòng bí bách, chật chội, cộng thêm sự hành hạ của những liều hóa chất, đêm nào bà Đặng cũng trằn trọc không ngủ được. Ấy vậy mà có những hôm không có nổi 70.000 thuê phòng, bà phải ngủ tạm ở một góc cầu vượt lạnh lẽo. Cứ tầm 4h sáng, bà giật mình bỏ chạy theo tiếng rượt đuổi của dân phòng.
“Có lần khám xong ra ngồi hỏi thăm nhau. Tôi nghe nói về mái ấm Gary. Tôi xin thầy đi đón bệnh nhân cho tôi được vô mái ấm ở, thầy đồng ý, tôi mừng quá trời”. Rồi bà Đặng giới thiệu mái ấm cho cô Nguyệt, cô Nguyệt giới thiệu cho những người cùng điều trị với mình, mấy cô cháu không phải ngủ cầu vượt nữa mà dắt tay nhau vào mái ấm Gary.
Ngôi nhà thứ 2 ấm cúng
“May mắn biết được mái ấm, tôi được mái ấm giúp đỡ nhiều. Về đây tôi không mang theo gì, chỉ có vài bộ đồ. Mọi người lo lắng cho từ cái lớn như chăn màn, giường ngủ đến những cái vụn vặt như xà bông tắm, bột giặt, đầy đủ hết không thiếu thứ gì” - Cô Nguyệt chia sẻ.
Là người lớn tuổi nhất mái ấm, có những nhu cầu đặc biệt hơn trong sinh hoạt, bà Đặng rất hài lòng về mái ấm Gary: “Phóng ốc ở đây thoáng đãng, mát mẻ, tôi ngủ được hơn 80% so với hồi còn khỏe mạnh. Lúc nào khỏe thì ăn cơm, lúc nào mệt thì báo cô bếp nấu cháo. Với người già như tôi như vậy là tuyệt vời lắm rồi”.
Bà Đặng (áo hồng), cô Nguyệt (áo xanh) cùng các chị em tại mái ấm Gary
Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe, mái ấm Gary cũng là liều thuốc tinh thần cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Cô Nguyệt hào hứng kể: “Ở đây chị em tối nào cũng chuyện trò cười hố hố há há với nhau. Thứ 7, chủ nhật thì hát hò, vui lắm. Có đợt mái ấm còn thuê xe cho đi Vũng Tàu du lịch. Ở nhà nhiều lúc khóc lóc tưởng sắp chết đến nơi, ra đó không còn nghĩ gì đến chuyện bệnh tật. Mọi người ai cũng coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình, ấm cúng, thoải mái, đến rồi không muốn đi nữa”.
Với những bệnh nhân ung thư như cô Nguyệt hay bà Đặng, mái ấm Gary mang ý nghĩa như một trạm tiếp năng lượng trên hành trình chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Sau những giờ điều trị đau đớn, mệt mỏi ở bệnh viện, họ về đây để được an ủi, vỗ về và nạp đầy sinh lực. Để rồi, ngày mai họ lại tiếp tục trở thành những chiến binh, không chịu đầu hàng trước số phận.